Saturday, 20/04/2024 - 19:37|
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO BẢO YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” - một giải pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh

Thực hiện nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong những năm gần đây các nhà trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tổ chức, triển khai xây dựng nhiều mô hình trường học gắn với thực tiễn đạt nhiều kết quả, góp phần nâng đổi mới, cao chất lượng giáo dục toàn diện, rèn kỹ năng sống cho học sinh.

Trường TH&THCS Cam Cọn tổ chức, triển khai xây dựng Mô hình “Trường học nông trại từ năm học 2015 - 2016. Sau 5 năm thực hiện nhà trường đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Nâng cao được kỹ năng lao động, mở rộng kiến thức xã hội, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh, tạo ra một môi trường học tập vừa học lý thuyết vừa thực hành ngay tại nhà trường, khắc phục được việc thiếu đồ dùng, thiết bị dạy học, thiếu phòng học bộ môn để học sinh thực hành tại các trường vùng cao.

 

Khi bắt đầu triển khai xây dựng mô hình nhà trường gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chuồng trại, cây con giống, thức ăn…Vì vậy, nhà trường đã phát động “bốn cùng” đó là: Nhà trường, học sinh, phụ huynh và chính quyền địa phương cùng làm để đưa mô hình nông trại vào trường học. Ban giám hiệu nhà trường mở hội nghị cha mẹ học sinh có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương để đề xuất, thảo luận, bàn bạc, quyết định kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, nuôi con gì, trồng cây gì, phương thức đóng góp kinh phí phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, sở nguyện của học sinh, phụ huynh học sinh. Chính quyền tạo điều kiện cấp đất đào ao, làm vườn, phụ huynh học sinh đóng góp công lao động, cây con giống, cán bộ, giáo viên nhà trường tự nguyện đóng góp tiền để thuê đào ao, san gạt mặt bằng. Vì vậy, Trường TH&THCS Cam Cọn đã xây dựng được hệ thống nông trại ngay trong khuân viên trường học, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường. Đến nay, hệ thống nông trại của nhà trường có khu vườn trồng rau 2000 m2, ao thả cá 1000 m2, vườn cây ăn quả 1.500 m2, hệ thống chuồng nuôi Lợn, gà, Vịt, chim Bồ câu mỗi năm nuôi khoảng 20 con Lợn, 400 con gà, vịt, 50 đôi chim Bồ câu….

Về việc dạy học, giáo viên tiến hành dạy kiến thức nông trại vào các tiết học chính khóa theo kế hoạch nhà trường đã xây dựng, đồng thời lồng ghép vào các tiết học, tổ chức cho học sinh thực hành, trải nghiệm vào giờ nghỉ và các giờ học ngoại khóa. Nhà trường sắp xếp lịch học từng lớp theo ngày, theo tuần. Mỗi lớp lại phân công học theo từng nhóm như: Trồng trọt, chăn nuôi Lợn, Gà, Vịt, nuôi cá, nuôi chim Bồ câu…các gia đình chăn nuôi, trồng trọt giỏi ở địa phương được nhà trường mời đến để hướng dẫn các em học sinh chăm sóc vật nuôi, trồng trọt và thu hoạch rau xanh. Nhà trường phối hợp với cán bộ khuyến nông, thú y xã để tham gia giảng dạy, hướng dẫn kỹ thuật về nông trai. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức cho giáo viên, học sinh đi thăm quan, trải nghiệm, học tập thực tế tại các trai trại chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn, thăm quan mô hình nhà lưới tại phân hiệu Đại học Thái Nguyên, Trung tâm giống cây trồng tỉnh…

 

Các sản phẩm của các em làm ra như thịt lợn, gà, vịt, cá, rau xanh…được đưa vào liên hoan dịp tết, tổng kết năm học và tăng khẩu phần ăn hàng ngày cho học sinh bán trú, có sự tham gia của phụ huynh học sinh, tạo không khí vui tươi, gắn kết giữa nhà trường, học sinh, phụ huynh và chính quyền, đoàn thể ở địa phương.

 

Mô hình “Trường học nông trại” ở trường TH&THCS Cam Cọn đã trở thành điểm sáng về gắn học tập kiến thức với lao động thực hành ngay tại trường học của giáo dục Bảo Yên.

                                                                             Đào Trọng Nguyên - Hiệu trưởng trường TH&THCS Cam Cọn     


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết