Saturday, 20/04/2024 - 15:14|
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO BẢO YÊN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN BẬC THCS NĂM HỌC 2018-2019 CỦA PHÒNG GD&ĐT BẢO YÊN

       Trong học kỳ I và đầu học kỳ II năm học 2018-2019, giáo dục THCS huyện Bảo Yên với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD&ĐT; sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS, PTDTBT THCS trong toàn huyện, sự nghiệp giáo dục đã có nhiều kết quả quan trọng, điển hình là một số hoạt động đổi mới trong chỉ đạo chuyên môn cấp THCS:

        1. Tổ chức cuộc thi NCKH dành cho học sinh THCS cấp huyện năm 2019

      Trong các ngày 22,29/11/2018 Phòng GD&ĐT tổ chức chấm sản phẩm cuộc thi NCKH dành cho học sinh THCS. Cuộc thi được tổ chức chấm qua 2 vòng (vòng 1- chấm báo cáo (22/11/2019; vòng 2 chấm sản phẩm của dự án và thuyết trình của học sinh (ngày 29/11/2019). Cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế, cụ thể như sau:

       Về phía Ban giám khảo: Phòng GD&ĐT đã lựa chọn Ban giám khảo là người có chuyên môn tốt, có hiểu biết về lĩnh vực nghiên cứu khoa học và tất cả Ban giám khảo đã được trực tiếp tập huấn về công tác NCKH tại Sở, Phòng GD&ĐT.

       Tổ chức chấm sản: Trước khi chấm sản phẩm Phó Trưởng ban giám khảo đã họp, quán triệt đầy đủ các nội dung, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, trong đó nhấn mạnh một số nội dung: Ban giám khảo phải làm việc công tâm, khách quan, lựa chọn sản phẩm đạt giải cấp huyện, lựa chọn giải tham gia cấp tỉnh. Phân công giám khảo thành 3 nhóm chấm và thực hiện chấm chung theo từng nhóm; nhóm trưởng của mỗi nhóm là chuyên viên Phòng GD&ĐT; đối với những nhóm chấm mà giám khảo có sản phẩm của nhà trường tham gia thì giám khảo đó không được tham gia chấm sản phẩm đó (việc này đã được quán triệt rõ tại cuộc họp trước khi chấm ngày 22,29/11/2018, tất cả Ban giám khảo đã được nghe và nghiêm túc thực hiện trong quá trình chấm).

       Kết quả của sản phẩm: Là kết quả chấm điểm của 2 vòng thi (hồ sơ và trình bày sản phẩm), có tiêu chí chấm cho từng nội dung. Ngay sau khi chấm xong (12h00’ ngày 29/11/2018) Ban tổ chức thông báo kết quả điểm các dự án trước toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh các trường tham gia. Tổng số 66 sản phẩm tham gia cấp huyện (25/25 trường), trong đó 39 dự án đạt giải, lựa chọn 08 dự án tham gia cấp tỉnh (đạt 04 dự án, 02 giải Ba, 02 giải tư cấp tỉnh).

 Ông Trịnh Công Ninh - Phó trưởng phòng GD&ĐT phát biểu trong buổi lễ khai mạc

Sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh trường PTDTBT THCS Xuân Hòa

 

Ban giám khảo chấm sản phẩm của học sinh trong cuộc thi

 

       2. Về việc tổ chức thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện

       Thực hiện theo kế hoạch của Sở GD&ĐT về tổ chức kỳ thi học sinh giỏi các cấp năm học 2018-2019; Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi đảm bảo khách quan, công bằng, thực chất; đảm bảo đúng quy trình, các khâu của kỳ thi, cụ thể:

       Về việc ra đề thi cấp huyện: Phòng GD&ĐT thành lập Hội đồng ra đề thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện; tổ chức ra đề thi 09 môn thi, trong đó chuyên viên Phòng trực tiếp ra đề 6 môn thi theo chuyên môn đào tạo, còn lại 03 môn Tiếng Anh, Tin học, Địa lý là cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, có nhiều kinh nghiệm trong ra đề thi cấp huyện, cấp tỉnh, và những cán bộ, giáo viên tham gia ra đề không trực tiếp dạy và ôn tập cho học sinh thi học sinh giỏi môn đó; môn Tiếng Anh, Tin học lấy giáo viên ra đề không có học sinh của trường dự thi môn đó; trong quá trình bảo mật thì chuyên viên, cán bộ, giáo viên ra đề tự photo, niêm phong đề tại Phòng GD&ĐT, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Phòng GD&ĐT vì vậy đề thi đã đảm bảo tính bảo mật, không có sự việc lộ đề.

       Về tổ chức chấm thi: Các khâu khóa phách, đánh số phách là lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD&ĐT thực hiện (Phó chủ tịch Hội đồng chấm thi trực tiếp khóa phách, chuyên viên trực tiếp đánh phách theo hình thức chéo chuyên môn được đào tạo). Thành lập Hội đồng chấm thành phần là chuyên viên Phòng GD&ĐT, có bổ sung CBQL, giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, hạn chế tối đa CBQL, giáo viên nhà trường có học sinh tham gia môn thi đó tham gia chấm thi. Đối với 02 môn Ngữ văn, Địa lý, giám khảo có học sinh nhà trường tham gia thì Ban làm phách đã rút các bài đó ra và yêu cầu giám khảo khác chấm, tuyệt đối giám khảo không được chấm bài thi của học sinh trường mình. Quá trình ghép phách do trực tiếp 02 chuyên viên Phòng GD&ĐT thực hiện nên tuyệt đối đảm bảo về kết quả của bài thi.

       Kết quả kỳ thi cấp huyện: Tổng số học sinh tham gia kỳ thi 332 học sinh (26/26 trường tham gia), trong đó 191/332 đạt 57% học sinh đạt giải cấp huyện. Hiện nay đã có kết quả chấm thi vòng 02 lựa chọn đội thi tuyển cấp tỉnh, về cơ bản kết quả vòng 02 tương đối sát với kết quả thi vòng 1, phản ánh đúng thực chất về chất lượng cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện.

       3. Về việc tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện

       Thực hiện theo kế hoạch của Sở GD&ĐT về tổ Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2018-2019; Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ Hội thi đảm bảo khách quan, công bằng, thực chất; đảm bảo đúng quy trình, các khâu của Hội thi, cụ thể:

       Về việc tổ chức thi: Hội thi được chia làm 3 vòng thi: thi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, viết sáng kiến kinh nghiệm, phần thi giảng. Trước khi tổ chức thi theo các nội dung, Phòng giáo dục đã quán triệt Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm 2019 không quy định tỷ lệ mà đánh giá thực chất giáo viên, lựa chọn những giáo viên xứng đáng là giáo viên giỏi cấp huyện.

       Tổ chức phần thi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ: Phòng GD&ĐT thành lập Hội đồng ra đề thi, các chuyên viên Phòng GD&ĐT trực tiếp ra đề 07 môn, các môn còn lại do cốt cán bộ môn ra đề và chịu trách nhiệm bảo mật trước lãnh đạo Phòng GD&ĐT (đặc cách phần thi kiến thức đối với các cán bộ, giáo viên ra đề). Thành lập Hội đồng chấm thành phần là chuyên viên Phòng GD&ĐT, cán bộ, giáo viên có chuyên môn tốt, không tham gia dự thi. Quá trình ghép phách do trực tiếp chuyên viên Phòng GD&ĐT thực hiện nên tuyệt đối đảm bảo về kết quả của bài thi.

       Việc thành lập Ban giám khảo phần thi giảng: Phòng GD&ĐT lựa chọn Ban giám khảo phần thi giảng là những người có năng lực chuyên môn tốt được khẳng định trong nhiều năm học. Phòng GD&ĐT chia thành 05 cụm thi phần giảng, tại mỗi cụm thi giảng Ban tổ chức không sử dụng người của cụm thi đó tham gia Ban giám khảo để đảm bảo sự công bằng, khách quan. Phòng GD&ĐT giao cho Tổ trưởng mỗi tổ bộ môn phân công cho thành viên giám khảo theo từng buổi (Tổ trưởng cơ bản là cán bộ phòng gồm các môn Toán, Lý, Văn, Sử, Sinh, Hóa, Địa), không phân công trước để đảm bảo khách quan; phân công giám khảo dự giờ theo cặp nhưng có sự cháo đổi thường xuyên thành viên các cặp để đánh giá giờ dạy đúng, khách quan, công bằng chất lượng giờ dạy; cuối mỗi buổi dự giờ các thành viên giám khảo dự kiến kết quả báo cáo tổ trưởng, nên kết quả Hội thi phản ánh khách quan, đúng chất lượng giờ dạy của giáo viên.

        Trong thành phần giám khảo Phòng GD&ĐT có đặc cách phần thi giảng cho một số đồng chí dựa vào các tiêu chí sau: Người được đặc cách phải là thành viên của tổ cốt cán bồi dưỡng chuyên môn cho CBQL, giáo viên THCS hè 2018 và năm học 2018-2019 theo quyết định số 139/QĐ-PGD&ĐT này 04 tháng 7 năm 2018, đồng thời không đủ điều kiện tham gia GV dạy giỏi cấp tỉnh (do không tham gia giáo viên dạy giỏi cấp huyện các năm học trước). Tuy nhiên có một số giáo viên cốt cán được đặc cách, nhưng vẫn đề nghị được tiếp tục tham gia thi giảng như những giáo viên khác để được trao đổi chuyên môn.

Ông Trịnh Công Ninh - Phó trưởng phòng GD&ĐT phát biểu tại lễ Khai mạc

 

Thầy Nghiệp - Giáo viên, trường THCS Long Phúc trong giờ dạy tại Hội thi

 

Học sinh trao đổi, chia sẻ trong giờ Hóa học
Ông Tân Ngọc Hà - Phát biểu trong buổi tổng kết hội giảng cụm V

        4. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm định chất lượng, trường chuẩn quốc gia.

       Trong 02 ngày 14, 15/02/2019 Phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư số 17, 18/TT-BGD&ĐT ngày 22/8/2018 do Bộ GD&ĐT ban hành cho các trường TH, THCS, TH&THCS trong toàn huyện.

       Trong hai ngày làm việc, các giảng viên đã tập trung vào các nội dung cơ bản, những điểm mới, điểm khác về công tác kiểm định chất lượng và công nhận trường chuẩn quốc gia so với các thông tư cũ, như: Những vấn đề chung về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia theo thông tư 17, 18; hướng dẫn quy trình tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông; hướng dẫn xác định nội hàm, phân tích tiêu chí, tìm minh chứng, viết phiếu tự đánh giá, đánh giá ngoài…Các học viên tham gia lớp tập huấn đã học tập nghiêm túc, tích cực thảo luận trao đổi những vấn đề còn khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia tại nhà trường để cùng trao đổi, tháo gỡ.

 

Ông Trịnh Công NInh - Phó trưởng phòng GD&ĐT trực tiếp giảng bài trong lớp tập huấn

 

Thầy Bùi Lê Thiên - giảng viên lớp tập huấn chia sẻ nội dung đánh giá ngoài tại lớp tập huấn

 

Các học viên tích cực trao đổi, chia se hoàn thành bài tập thực hành

 

          5. Tổ chức Hội thảo dạy học theo định hướng STEM

     STEM là gì? STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục theo định hướng STEM là cách giáo dục tốt để phát huy được năng lực của học sinh, nó là sự tích hợp của 4 lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học. Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Giáo dục STEM sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường có tính sáng tạo cao và sử dụng trí óc có tính chất công việc ít lặp lại trong thế kỷ 21.

        Căn cứ Kế hoạch số 1308/SGD&ĐT-GDTrH ngày 28/8/2018 của Sở GD&ĐT Lào Cai về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục THCS năm học 2018-2019, Phòng GD&ĐT chỉ đạo trường THCS số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là trường THCS đầu tiên của Bảo Yên thực hiện thí điểm dạy học theo định hướng tiếp cận giáo dục STEM và thực hiện tiết dạy hội thảo. Sáng ngày 15/02/2019 buổi hội thảo dạy học theo định hướng tiếp cận giáo dục STEM được tiến hành và đã thành công tốt đẹp. Chương trình đã tạo được sự hứng thú học tập, tinh thần hăng say nghiên cứu, tìm tòi của học sinh và bước đầu tạo hiệu ứng tích cực trong việc giáo dục định hướng STEM trong trường học.

        Đến tham dự Hội thảo, đồng chí Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng GD&ĐT Bảo Yên đã phát biểu: Giáo dục theo định hướng STEM phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về sự tích hợp liên môn, gắn liền với thực tiễn đời sống, giúp học sinh có cơ hội khám phá, trải nghiệm, ứng dụng kiến thức liên môn và tạo ra sản phẩm hữu ích.

         Là người trực tiếp thực hiện tiết dạy hội thảo, thầy giáo Bùi Khánh Toàn cũng chia sẻ: Bản thân là một giáo viên dạy môn Toán, để có một tiết học thành công và đầy hào hứng hôm nay, trước đó cả thầy và trò đã có một quá trình chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc và cực kì công phu. Các em học sinh đã cùng nhau nghiên cứu kiến thức về ảnh tạo bởi gương phẳng, tự nghiên cứu sáng tạo ra các sản phẩm chiếc kính tiềm vọng.

       Bước đầu chinh phục phương pháp mới chắc hẳn còn rất nhiều khó khăn nhưng với những gì đã làm được thì mô hình này sẽ lan tỏa nhanh tới các trường, đội ngũ thầy cô giáo; quyết tâm đồng lòng, nỗ lực để đem lại hiệu quả trong việc dạy học theo định hướng tiếp cận giáo dục STEM. Với những thành công bước đầu, hy vọng dạy học theo định hướng STEM sẽ nâng cao tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, giúp các em đam mê vận dụng sáng tạo để tạo ra sản phẩm của mình, thắp lên ngọn lửa STEM trong học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Ông Bùi Minh Tuân - Trưởng phòng GD&ĐT trao đổi với học sinh sau giờ học

 

       6. Tổ chuyên môn Phòng GD&ĐT; tổ cốt cán cấp huyện môn Ngữ văn, Toán, trường kết nghĩa (THCS số 1 Phố Ràng) giúp đỡ trường PTDTBT THCS Tân Tiến trong việc nâng cao chất lượng dạy và học

       Năm học 2018 - 2019, nâng cao chất lượng giáo dục tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục huyện Bảo Yên chú trọng. Để cụ thể hóa nhiệm vụ đó, Phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên đã có nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, hoạt động hỗ trợ công tác chuyên môn cho giáo viên ở những trường còn gặp khó khăn về phương pháp dạy học tích cực, về chất lượng đại trà của học sinh được lãnh đạo Phòng GD&ĐT Bảo Yên, Tổ chuyên môn Phòng GD&ĐT đẩy mạnh thực hiện. Căn cứ tình hình thực tế qua nhiều năm học và qua các đợt kiểm tra của Sở GD&ĐT, của Phòng GD&ĐT. Xác định trường PTDTBT THCS Tân Tiến còn một số giáo viên gặp khó khăn về phương pháp dạy học, đó cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục của nhà trường đặc biệt ở các môn học: Toán, Lí, Hóa, Văn, Anh. Tổ chuyên môn Phòng GD&ĐT đã tham mưu với lãnh đạo Phòng, xây dựng kế hoạch chỉ đạo Tổ Cốt cán cấp huyện môn Toán - Lí, Văn - Sử; Trường THCS số 1 Phố Ràng (kết nghĩa với trường PTDTBT THCS Tân Tiến) xây dựng kế hoạch tổ chức giúp đỡ giáo viên trường PTDTBT THCS Tân Tiến đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học ít nhất 2 lần/ học kì. Các tổ cốt cán còn lại tạo điều kiện giúp đỡ giáo viên PTDTBT THCS Tân Tiến đến dự giờ, trao đổi, chia sẻ chuyên môn.

       Ngay tuần đầu tiên sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán. Ngày 16/02/2019, trường PTDTBT THCS Tân Tiến phối hợp với Tổ Cốt cán cấp huyện môn Toán - Lí, Văn - Sử cùng trường THCS số 1 Phố Ràng tổ chức “Hội thảo giúp đỡ trường PTDTBT THCS Tân Tiến về công tác chuyên môn lần I năm học 2018 - 2019” với các hoạt động thiết thực như dạy minh họa (cốt cán, trường kết nghĩa dạy 02 tiết, trường PTDTBT THCS Tân Tiến dạy 04 tiết), dự giờ rút kinh nghiệm, trao đổi, thảo luận, chia sẻ các hoạt động chuyên môn. Qua việc thao giảng minh họa, dự giờ, trao đổi, chia sẻ và rút kinh nghiệm các giờ dạy, Hội thảo đã đạt được mục đích đề ra ban đầu là giúp đỡ đồng nghiệp phát huy điểm mạnh, nhận ra và khắc phục những hạn chế về phương pháp dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Ông Tân Ngọc Hà- phát biểu chỉ đạo tại buổi Hội thảo
Thầy Nguyễn Tùng Sơn - phát biểu tại buổi Hội thảo

 

        7. Các nội dung khác (công tác chỉ đạo quản lý nhà trường của Hiệu trưởng; cách ăn mặc, cử xử của CBQL giáo viên,…)

      Chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc văn hóa công sở theo đúng quy định, Phòng GD đã quán triệt, triển khai các văn bản quy định về văn hóa công sở tại các trường học và yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện về cách ăn mặc, ứng xử của cán bộ quản lý, giáo viên. Đơn vị nào để cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện không nghiêm túc văn hóa công sở trong trường học thì Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm cao nhất trước ngành và Phòng GD&ĐT.

       Chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tổ chức các hoạt động giáo dục đúng theo sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục; phát huy tổ chức công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ, chăm lo đời sống của đoàn viên; xây dựng tổ chức nhà trường đoàn kết, vững mạnh.

                                                                                                                                                                                                                                   Tân Ngọc Hà - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Bảo Yên


Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết